Trang nhất
 
 
Thông tin-Sự kiện
 
 
Kỹ Thuật Chăn Nuôi
 
 
Thông Tin Chăn Nuôi
 
 
Gương Mặt
 
 
Thông Tin Thị Trường
 
 
Hỏi - Đáp
 
 
Thư Giãn
 
 
Rao Vặt
 
Hỏi - Đáp
> Hỏi và Đáp
15/6/2016 11:17:23
Hỏi Đáp Tháng 06/2016
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kiến thức chăn nuôi Heo, xin vui lòng đặt câu hỏi cho chúng tôi qua hộp thư: heo@heo.com.vn hoặc liên lạc trực tiếp vào số điện thoại: 028.54103615





Hỏi: Tôi có làm công tác học sinh nội trú dân nuôi ở trường. Sau mỗi bữa ăn của học sinh thì thừa rất nhiều thức ăn chủ yếu là các món liên quan đến thịt lợn, tôi cũng nuôi vài con lợn để tận dụng cơm thừa của học sinh. Tôi có một câu hỏi xin các chuyên gia tư vấn giúp. Liệu những thức ăn thừa của học sinh tôi có thể cho lợn ăn được không? Ví dụ như thịt lợn, đậu phụ, canh.... hiện tại tôi vẫn chưa dám cho lợn ăn vì sợ dính mỡ thì lợn không lớn được như kinh nghiệm các cụ truyền lại, rất mong nhận được ý kiến tư vấn của các chuyên gia. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Việc sử dụng thức ăn thừa của người để nuôi động vật chăn nuôi có ở nhiều nước trên thế giới nhằm mục đích giảm lãng phí nguồn tài nguyên hạn chế của trái đất, giảm chi phí trong chăn nuôi. Tuy nhiên khi sử dụng nguồn nguyên liệu này chúng ta cần lưu ý khắc phục 2 nhược điểm cơ bản của nguồn phụ phế phẩm này đó là:
  • Có thể chứa các mầm bệnh lây nhiễm cho vật nuôi, như bệnh dịch tả heo, lở mồm long móng, Salmonella… 
  • Hàm lượng chất dinh dưỡng không đủ cho vật nuôi, thiếu vitamin, khoáng, protein, năng lượng…
Do vậy, khi sử dụng nguồn phụ phế phẩm này chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
  • Đun sôi nguồn phụ phế phẩm này ít nhất 30 phút nhằm tiêu diệt tất cả những mầm bệnh có trong phụ phế phẩm, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
  • Bổ sung thêm nguyên liệu chăn nuôi khác như bắp, cám, premix cung cấp khoáng, vitamin, a-xít amin… cần thiết và theo nhu cầu cho sự phát triển tốt của vật nuôi.
Nếu làm tốt 2 biện pháp nêu trên, việc sử dụng thức ăn thừa của người cho heo ăn có thể sẽ có hiệu quả, nhưng ngược lại, nếu không làm tốt sẽ gây nên dịch bệnh nguy hiểm, không đảm bảo sự tăng trưởng của heo và sẽ gây thiệt hại về kinh tế. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của cán bộ chuyên môn để biết rõ hơn về việc bổ sung các thành phần vào cám cho heo ăn trong điều kiện cụ thể của đơn vị.
Kính chúc sức khoẻ và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông lâm Tp. HCM.

Hỏi: Heo thịt khoảng 60 kg ban đầu xuất hiện các đốm nhỏ sau lan rộng ra đùi sau và mang tai. Đốm lúc đầu màu đỏ đậm sau nhạt dần, heo bỏ ăn và có dấu hiệu lừ đừ (không sốt). Xin hỏi các điều trị?
 (Anh Hai Thọ - Bến Tre)

Trả lời: Dấu hiệu lâm sàng mà Trại nêu lên có thể ở nhiều bệnh khác nhau: viêm da thận liên quan đến PCV2, bệnh do nấm, hay do di truyền. Nếu có hình chụp Trại gửi về chúng tôi sẽ có thể góp ý rõ ràng hơn. Trước hết Trại thử dùng dung dịch Iod bôi lên những tổn thương, lưu ý phải vệ sinh sạch vùng da tổn thương trước khi bôi, nếu bớt hoặc hết, bệnh có thể là do nấm. Nếu bệnh không hết có thể là do di truyền, bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian. Nếu dấu hiệu lâm sàng giống như hình minh hoạ, bệnh liên quan đến PCV2. Trong trường hợp này Trại cần tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh PCV2, tuy nhiên cần lưu ý là hiệu quả của vắc-xin phụ thuộc vào điều kiện vệ sinh chuồng, trại, chăm sóc, nuôi dưỡng và tình trạng dịch bệnh khác của trại. Nói chung, Trại cần kiểm tra lại quy trình quản lý chăm sóc đàn heo: không nuôi quá nhiều, chuồng trại sạch, khô, thông thoáng tốt, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh quan trọng (dịch tả heo, Lở mồm long móng…. Để ngăn ngừa bệnh bội nhiễm, giảm thiểu thiệt hại, Trại nên cách ly heo bệnh, có thế áp dụng chích tulathromycin cho heo bệnh và toàn đàn heo có heo bệnh, hoặc có thể bổ sung tylosin kết hợp doxycycline trong thức ăn hoặc nước uống cho heo trong vòng 7 – 10 ngày ở giai đoạn nguy cơ, dịch bệnh đang xảy ra. Kính chúc sức khoẻ và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông lâm Tp. HCM.
 
Hỏi: Heo nái khoảng 2 tuần nữa sẽ đẻ. Heo bỏ ăn, đã chích thuốc bổ nhưng vẫn ăn kém. Đo thân nhiệt thấy 37,5-38 độ C. Xin hỏi heo bị sao, cách khắc phục?

Trả lời: Theo như Bạn mô tả, có vẻ heo không bị sốt, trong trường hợp này có thể nghĩ đến các yếu tố chuồng trại và quản lý chăm sóc nái chưa phù hợp. Bạn cần kiểm tra lại nguồn nước uống của nái có đủ số lượng và chất lượng tốt không? Bạn chú ý kiểm tra hướng vòi nước ở chuồng nái có phù hợp cho nái uống nước không? Nhiệt độ môi trường cao, heo nái có thể bị stress nhiệt, bỏ ăn… Bạn cần thực hiện các biện pháp giải nhiệt cho nái: che nắng, làm mát mái, phun nước làm mát nái, để quạt thổi… Ngoài ra Bạn nên cho nái uống thêm vitamin C và vitamin nhóm B để giảm stress và tăng cường chuyển hoá ở nái. Bạn có thể cho nái ăn cám ướt để giúp nái ăn dễ dàng hơn. Tuy nhiên Bạn cũng nên lưu ý đến thể trạng của nái, nếu nái quá mập cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thức ăn ở giai đoạn này. Kính chúc sức khoẻ và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông lâm Tp. HCM.

Hỏi: Heo thịt 30kg - 60kg sáng ăn uống tốt chiều lăn ra liệt 4 chân hoặc co rút người lại. Co cong xương sống lại. Rồi không đi đứng ăn uống được dần dần chết.
 
Trả lời: Theo mô tả của Bạn, chúng tôi hình dung heo bệnh không chết liền mà chết từ từ, tuy nhiên rất tiếc Bạn không nói cho chúng tôi biết heo có bị sốt không, biện pháp can thiệp của Bạn: đã sử dụng thuốc gì và sử dụng như thế nào, sau bao lâu heo chết, có bao nhiêu heo bệnh…? Bạn cũng không cho biết quy trình vắc-xin phòng bệnh của Trại, tình hình dịch bệnh trong Trại… do vậy chúng tôi không đủ cơ sở để trả lời chính xác cho Bạn trong trường hợp này. Chúng tôi xin chia sẻ vài ý cơ bản sau: dấu hiệu cơ bản nhất mà Bạn cho chúng tôi biết đó là liệt chân, co rút người… có vẻ liên quan đến vấn đề thần kinh. Trong trường hợp này có thể nghĩ đến một vài bệnh sau: Bệnh giả dại Aujeszky, bệnh do Streptococcus… Nếu Bạn đã tiêm kháng sinh cho heo (peniciclline kết hợp streptomycin hay ceftiofur, nhóm quinolone…) nhưng heo vẫn không thuyên giảm, có thể nghi ngờ do Aujeszky. Trong trường hợp này tốt nhất là Bạn nên tiêm phòng vắc-xin Aujeszky. Nếu trại đã tiêm phòng vắc-xin Aujeszky rồi thì Bạn cần kiểm tra chặt chẽ quy trình tiêm phòng, đảm bảo tiêm đúng kỹ thuật. Ngoài ra, Bạn cần chú ý quản lý vệ sinh, dịch tễ trong trại, tăng cường thông thoáng chuồng và tránh stress nhiệt cho heo. Kính chúc sức khoẻ và thành công. 
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Đại học Nông lâm Tp. HCM





Các tin khác :
Trang:   1  2  3  
loading...
loading...

Công ty Kiến Thức Chăn Nuôi Hàn Việt
Số 6, Hưng Thái 1, P. Tân Phong, Q.7, Tp.HCM
ĐT: (08) 5410. 3615 - Fax: (08) 5410 3573 - Email: heo@heo.com.vn
©Copyright 2010 by Kiến Thức Chăn Nuôi Heo
®Kiến Thức Chăn Nuôi Heo giữ bản quyền nội dung trên website này
Số lượt truy cập: stats counter